Hiện nay, theo quy định tại Điều 66 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức: “Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp”. Do đó, theo các quy định này thì HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết không phải là “thông qua” tổng biên chế hành chính như trước đây, mà “quyết định” phân bổ biên chế công chức của tỉnh. Như vậy, các quy định mới đã giao quyền cho HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định giao biên chế công chức tại địa phương, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Như việc HĐND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức phải căn cứ vào quyết định giao biên chế của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và chỉ trong giới hạn tổng biên chế mà Chính phủ đã giao.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 21 và Thông tư số 07/2010/TT-BNV ngày 26/7/2010 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP “Chậm nhất là ngày 20/7 năm trước liền kề, UBND cấp tỉnh phải gửi hồ sơ về kế hoạch biên chế hành chính của năm tiếp theo cho Bộ Nội vụ để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy sau ngày 20/7 hàng năm, Bộ Nội vụ phải thực hiện việc thẩm định kế hoạch biên chế hành chính của các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tổng biên chế công chức cho các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về giao biên chế công chức cụ thể cho năm tiếp theo. Tuy vậy, cho đến nay Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn chưa có quyết định giao chỉ tiêu biên chế công chức năm 2012 cho tỉnh, do vậy UBND tỉnh không có cơ sở để trình HĐND tỉnh quyết định giao biên chế công chức năm 2012 vào kỳ họp cuối năm.
Một vấn đề đặt ra là, nếu HĐND tỉnh không quyết định giao biên chế công chức năm 2012 của tỉnh thì đến đầu năm 2012, UBND tỉnh khó xác định tổng quỹ lương và thực hiện chi trả lương cho đội ngũ công chức hành chính. Từ thực tế vướng mắc như đã nêu trên, thiết nghĩ, sau khi các tỉnh, thành gửi hồ sơ về kế hoạch biên chế công chức, sau ngày 20/7 hàng năm, Bộ Nội vụ cần kịp thời triển khai việc thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định giao chỉ tiêu cho các địa phương trước tháng 12 hàng năm, để địa phương thực hiện quy trình phân bổ đúng quy định.
Theo quy định của Nghị định số 21 “HĐND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao”. Nhưng thực tế đã qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại ban hành quyết định giao biên chế cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị ở địa phương. Việc Bộ Nội vụ quyết định biên chế cho từng cơ quan đã làm mất đi tính chủ động của HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định phân bổ biên chế công chức tại địa phương theo thẩm quyền. Mặc dù, trong kế hoạch biên chế hàng năm, các tỉnh phải nêu căn cứ, giải trình cụ thể nhu cầu tăng biên chế cho sở, ngành nào của cấp tỉnh, phòng ban nào của cấp huyện để Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, không vì thế mà khi Bộ Nội vụ quyết định biên chế lại giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Việc HĐND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức ở địa phương còn phải xem xét nhiều yếu tố từ tình hình thực tế và nhu cầu bức thiết của từng cơ quan, đơn vị.
Qua đó, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Cà Mau, đại biểu thống nhất không áp dụng cứng nhắc theo Quyết định của Bộ Nội vụ mà phải căn cứ theo quy định của Nghị định 21/2010/NĐ-CP, xác định việc phân bổ biên chế công chức cho các cơ quan hành chính là thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Vì đây là văn bản có tính pháp lý cao hơn. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết giao bổ sung 33 biên chế công chức, trong đó giao cho một số cơ quan, đơn vị 26 biên chế, còn 07 biên chế để dự phòng. Khi có nhu cầu phân bổ, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi thực hiện và báo cáo cho HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Phạm Ngọc